Lịch sử

1. Lịch sử

Ngày 02/02/1949, lễ Đức Mẹ dâng Chúa vào Đền Thánh, tại Giáo phận Thái Bình, Miền Bắc Việt Nam, Phó tế Micae Maria Tước (Việt Anh), trong khi cầu nguyện tận hiến cho Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria, có sáng kiến phát động một phong trào Tận Hiến cho Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria.

Ngày 08/12/1969, Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục tiên khởi Giáo phận Đà Lạt, chính thức công nhận cộng đoàn anh chị em Tận Hiến và chấp nhận bản điều lệ có khuynh hướng Tu Hội Đời của Tận Hiến, đồng thời ban phép thí nghiệm bản điều lệ này trong thời gian ba năm.

Ngày 01/11/1976, Đức Tổng Giám mục Jean Jadot, Khâm sứ Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, trong văn thư gửi cha Việt Anh đề ngày 26/10/1976, đã thông báo cho cha Việt Anh biết quyết định của Đức Tổng Giám mục D. Simon Lourdusamy, Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm, là kể từ ngày 01/11/1976, Tòa Thánh đặt Tu Hội Tận Hiến dưới quyền chăm sóc đặc biệt của Đức Tổng Giám mục Philip Hannan, New Orleans, và Tận Hiến được nhìn nhận như một Hội Đạo Đức (Pia Unio).

Ngày 01/11/1980, Đức cha Barthôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Giám mục Giáo phận Đà Lạt, công nhận Nhập Thể – Tận Hiến I.C. (Incarnatio – Consecratio) là một Hội Đạo Đức.

Ngày 06/01/1991, Linh mục Micae Maria Việt Anh quyết định : Nhập Thể – Tận Hiến – Truyền Giáo không còn là Tu Hội Đời nữa, nhưng là Tu Hội Đời Sống Tông Đồ (Societas Vitae Apostolicae).

Ngày 25/03/1992, ngài hoàn tất bản điều lệ mới mệnh danh là : Hiến pháp Tu Hội Nhập Thể – Tận Hiến – Truyền Giáo (I.C.M. : Incarnatio – Consecratio – Missio).

Ngày 28/01/2000, Hiến pháp Tu Hội Tận Hiến Nam được giáo quyền Đà Lạt phê chuẩn theo Giáo luật.

Ngày 02/02/2000, trong văn thư Prot. N. 0201/2000, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – Giám mục Giáo phận Đà Lạt ấn ký : Nghị định thiết lập theo Giáo luật “Nam Tu Hội Đời Sống Tông Đồ Giáo Sĩ Nhập Thể – Tận Hiến – Truyền Giáo (I.C.M.).” Kể từ đây Tu Hội chính thức mang bản chất là Tu Hội đời sống tông đồ thuộc quyền Giáo phận.